Bạch Dinh Vũng Tàu

Bạch Dinh (tiếng Pháp: Villa Blanche) là một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu.

Sơ lược về Bạch Dinh

Bạch Dinh từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916. Ngày nay, dinh là một địa điểm tham quan của khách du lịch khi đến thành phố du lịch Vũng Tàu.

Được tọa lạc ở vị trí cao ráo cách mực nước biển gần 30m, từ tiền sảnh Bạch Dinh nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đang ở tầng lầu của một tòa cao ốc xây dựng trên mặt nước biển, có thể phóng tầm mắt bao quát cả trung tâm thành phố Vũng Tàu. Có hai lối lên Bạch Dinh: Một đường uốn quanh chạy dưới rừng cây giá tỵ dành cho xe hơi lên tới tiền sảnh. Một đường đi bộ qua 146 bậc tam cấp cổ xưa, kín đáo nằm giữa hai hàng sứ cao niên. Bạch Dinh với lối kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ 19, cao 19m, rộng 15 m, dài 28 m, gồm 3 tầng: Tầng hầm làm nơi nấu nướng; tầng trệt vừa làm nơi khánh tiết vừa dùng bày trí một số hiện vật cổ xưa như: Song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có niên đại Khải Định (1921), cặp ngà voi châu phi dài 170cm… Tầng lầu thoáng hơn dành cho việc nghĩ dưỡng. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là 8 bức chân dung tạc các vị thần Hy Lạp thời cổ đại, từ gương mặt, mắt mũi đến sắc thái đều biểu hiện rõ ràng, sắc nét và tinh tế. Trải qua hơn thế kỷ, với bao biến đổi của thời gian, Bạch Dinh vẫn giữ nguyên tính sang trọng, hài hòa và uy nghiêm hiếm thấy.

Từ năm 1991 đến nay một phần của Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng, trưng bày 8.000 hiện vật độc bản nằm trong bộ sưu tập cổ vật gốm sứ có niên hiệu Khang Hy (TK 17) được trục vớt từ “kho báu Hòn Cau”. Các nhà khảo cổ cho biết số cổ vật này nằm dưới đáy biển gần 300 năm, tính đến thời điểm trục vớt nhưng vẫn giữ được màu men tuyệt đẹp. Nếu đem so với những bộ sưu tập khác được trục vớt trong vùng biển Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận… bộ sư tập cổ vật Hòn Cau vẫn luôn được đánh giá là bộ sưu tập đẹp nhất.

Bạch Dinh không chỉ làm mê mẫn toàn quyền Pháp ở Đông Dương Paul Doumer, các quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ mà cho đến thời điểm hiện tại thì đây cũng là một trong số rất nhiều địa điểm tham quan của Vũng Tàu, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tìm hiểu về lịch sử và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Hướng dẫn đến Bạch Dinh

Hiện nay, Bạch Dinh được dùng làm nhà bảo tàng, trưng bày các chuyên đề như: đồ gốm thời Khang Hy vớt được từ xác tàu cổ đắm tại khu vực Hòn Cau – Côn Đảo, súng thần công cùng nhiều hiện vật có giá trị khác được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu…

  • Giá vé vào cổng: 15.000 đồng/người
  • Giá vé giữ xe máy: 2.000 đồng/xe
  • Giá giữ xe ôtô: <12 chỗ: 15.000 đồng/xe, >12 chỗ: 30.000 đồng/xe

Địa chỉ: Số 4 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Xem thêm: Hòn Bà Vũng Tàu

Cuộc tình của vua Thành Thái ở biệt thự Bạch Dinh

Cách đây hơn trăm năm ngôi biệt thự màu trắng này còn là một nhà tù, không hơn không kém. Bạch Dinh chính là nơi vua Thành Thái bị giặc Pháp giam lỏng, vào năm 1907. Thành Thái là vua thứ 10 của triều Nguyễn tại Huế…

Biệt thự Bạch Dinh được xây bên sườn núi Lớn (phía Bắc thành phố Vũng Tàu) ở độ cao chừng 30 mét. Đây là công trình kiến trúc hoàn hảo, theo phong cách châu Âu thế kỷ 19, nằm trong khuôn viên rộng 6ha. Chung quanh dinh thự là hai khu rừng cây sứ và giá tỵ. Mùa hoa sứ nở trắng ngợp, điểm những khóe vàng, đỏ như chiếc khăn mây bồng bềnh bao quanh dinh thự, đẹp như mơ…

Ðả hổ đoạt tình

Xưa rừng rậm trên núi Lớn lắm hổ báo, cùng rắn rết sinh sống, không mấy ai qua lại. Người trong Bạch Dinh khoát tay chỉ lên con đường nhỏ xa tắp kể, đó chính là nơi lên lán ở của hai ông cháu nghèo nhặt củi, săn bắn kiếm kế sinh nhai. Người ông nom tráng kiện, giỏi võ nghệ, hay đọc sách văn chương vào lúc nhàn rỗi.

Ông cặm cụi lên thác, vào hang săn bắn, rồi xuống núi đổi lấy gạo muối nuôi người cháu gái mồ côi. Vì sao hai ông cháu phải lang bạt xứ này không biết nữa. Người dân quen gọi là ông Giáo, còn cô cháu gái xinh xắn tên là Mai. Hay tin có ông già trên núi giỏi võ nghệ, nhiều chàng trai đã tìm đến học hỏi. Ai nấy đều hăng say ngày đêm rèn luyện. Mỗi ngày một tiến bộ. Hỏi ra, ông Giáo mới hay đó là những nghĩa sĩ đang tìm đường đầu quân cho ba anh em nhà Tây Sơn, chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, diệt chúa Nguyễn ở đàng trong.

Nhiều bãi đất phẳng ngập cỏ lau được phát quang để làm nơi nghĩa quân tập đánh trận. Ngay cả bãi đất trống, nơi xây Bạch Dinh ngày nay nhìn ra biển, cũng là nơi các võ sĩ tập thiền và thử sức so tài, luyện kiếm. Đó là câu chuyện diễn ra cách đây chừng gần 300 năm. Người ta còn kể, đã có thời gian chính cả ba anh em, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng đã lên học hỏi và lắng nghe về binh pháp của ông Giáo. Đó là nguồn khích lệ có tính dự báo về thời cuộc và những cơ hội khởi binh. Mọi người đều tôn ông Giáo là sư phụ bí ẩn. Ông thầm lặng như một tảng đá vậy. Mỗi lần ông Giáo múa gươm lại như cuồng phong che kín thân mình và ra đòn bất ngờ. Quả đây là một nhân vật kỳ lạ, biết nhìn xa trông rộng và mạnh mẽ, kiên cường.

Cô cháu gái mỗi ngày một lớn, mỗi ngày một xinh đẹp như bông hoa rừng tươi sắc, thơm hương. Nhiều chàng trai đã lên núi thăm hỏi và say đắm nhìn cô. Nhưng họ lại sợ ông Giáo nên chưa ai dám ngỏ lời. Không ít nghĩa sĩ Tây Sơn cũng mê mẩn vì sắc đẹp tự nhiên của Mai. Ai nấy đều thầm ước một ngày nào đó sánh vai người đẹp đi trong rừng hái nấm và săn bắn chim muông. Nhưng mỗi lần thoáng thấy bóng sư phụ là lại câm bặt không dám bàn tán xôn xao. Từ đó họ chỉ biết chăm chỉ trui rèn đường kiếm, tay đao.

Một hôm mải mê kiếm củi trong rừng, bất ngờ Mai gặp một con hổ lớn đang rình bên vách hang mà không hề hay biết. Khoảng cách mỗi lúc một gần. Khi mùi hôi của con hổ sực lên thì không kịp nữa. Mai nhanh chân luồn qua những gốc cây để tránh hổ vồ. Thoát khỏi cánh rừng già, nhưng Mai lại rơi vào một bãi cỏ lau bằng phẳng, nguy cơ ập đến.

Con hổ tung chân lao tới, Mai chỉ biết co người lăn xuống dốc, thì bất ngờ một tráng sĩ tung người bay từ trên cao xuống đã trúng mắt con hổ. Bị cú đòn hiểm, con hổ bật ngửa rồi quay lại tấn công chàng trai kia, với sự tức khí điên cuồng. Trong chớp mắt tráng sĩ rút kiếm tung đòn chém như lướt trên mặt nước vậy. Con hổ bị thương vào lưng hú vang cả rừng núi. Nó lại nhảy bổ vào người tráng sĩ, nhưng không ngờ phải nhận đường kiếm cuối cùng xuyên qua họng, nằm giãy đành đạch trên bãi lau.

Tráng sĩ vội cõng cô bé chạy xuống dốc về nhà. Sư phụ hớt hải bước ra, biết chuyện ông cúi đầu chắp tay chịu ơn người tráng sĩ dũng mãnh kia. Khi ngẩng lên nhìn kỹ, ông mới phát hiện ra đó là tráng sĩ Lê Tuấn, một võ tướng kiên trung của Nguyễn Huệ. Bất ngờ ông Giáo ngỏ ý gả cháu gái của mình cho Lê Tuấn, để đền đáp công ơn cứu mạng của chàng. Mai đỏ mặt vâng lời e thẹn. Lê Tuấn cúi đầu chắp tay cảm tạ. Hai người bàn hẹn đến ngày cưới trước ba quân. Cụ Giáo đột ngột chỉ tay lên đỉnh núi nói: “Nơi đây đã chứng kiến mối lương duyên của tráng sĩ và cháu gái lão. Lão xin đặt tên núi là Tương Kỳ”. Chính vì thế dân quanh vùng xa xưa đã từng gọi tên núi là Tương Kỳ là vì vậy.

Trốn tù tìm vợ

Người Bạch Dinh còn kể câu chuyện, cách đây hơn trăm năm ngôi biệt thự màu trắng này còn là một nhà tù, không hơn không kém. Bạch Dinh chính là nơi vua Thành Thái bị giặc Pháp giam lỏng, vào năm 1907. Thành Thái là vua thứ 10 của triều Nguyễn tại Huế. Ông có tinh thần yêu nước và quyết chí kháng Pháp đến cùng. Giặc lo sợ ép ông thoái triều và đưa vào Vũng Tàu an trí ở Bạch Dinh. Thực chất vua Thành Thái bị quản thúc tại đây.

Hàng ngày ông quanh quẩn trong rừng hoa sứ bên sườn núi Lớn, đọc sách và ngắm cảnh non xanh nước biếc, không được liên hệ với ai. Gia đình chỉ có mấy người đi cùng giúp việc và chăm lo cho vua ăn uống nghỉ ngơi. Một cuộc sống buồn tẻ của một kẻ bị cầm tù. Lòng hận quân vương vẫn nung nấu, truyền lại cho người con kế tiếp ngôi báu sau là Duy Tân, sống với ý chí tiêu diệt ngoại binh xâm lược. Cuộc sống bị cầm tù trôi theo năm tháng.

Một ngày mùa hè năm 1916, cựu hoàng Thành Thái khi ấy mới gần 40 tuổi, phóng xe khỏi Bạch Dinh. Nói là đi dạo quanh thành phố Vũng Tàu, nhưng ngài lại vượt đường ven biển tới vùng đất đỏ ngắm núi Thùy Vân, rong ruổi đó đây. Bất ngờ vua nhìn thấy một cô gái phi ngựa đi phía trước, nom thanh tú, cùng với đôi mắt to tròn mạnh mẽ trên yên cương. Thấy gương mặt cô gái thật cá tính, cùng dáng vóc cuốn hút, vua Thành Thái bèn nhấn ga xe đi theo sau.

Khi biết nơi ăn chốn ở của cô gái, ở gần đình Phước Thọ; vua gặp ông Hội đồng làng hỏi thăm gia đình cô gái, ngỏ ý mình muốn cưới nàng làm thứ phi. Cô thôn nữ đó trên là Trần Thị Đê, sinh năm 1884. Thuận tình, cô Đê về Vũng Tàu sống với vua Thành Thái và trở thành thứ phi, ở tại Bạch Dinh. Hàng ngày thứ phi cưỡi ngựa cùng vua rong chơi lên đỉnh núi Lớn. Hai người hạnh phúc bên nhau. Nhưng chưa được bao lâu, khoảng 5 tháng sau, giặc Pháp bí mật đưa vua Thành Thái cùng con trai là vua Duy Tân xuống tàu đi đày sang đảo Reunion, tận châu Phi.

Nhưng cuộc tình của vua Thành Thái với cô gái nông dân vẫn chưa chấm dứt. Vì khi đó thứ phi Trần Thị Đê đã có thai được 3 tháng và phải trở về quê chờ sinh nở. Đầu năm sau, công chúa Trần Thị Kiều ra đời, nhưng không hề biết mặt cha. Hai mẹ con đùm bọc nhau trong khốn khó. Vua thì bặt vô âm tín. Ròng rã suốt hơn 30 năm sau, bất ngờ vua Thành Thái vẫn còn sống trở về. Năm 1947, ông được phóng thích, nhưng vẫn bị quản thúc tại Sài Gòn. Vua Thành Thái vội về Vũng Tàu tìm lại người tình xưa. Mừng mừng tủi tủi. Phận vợ chồng vẫn nặng nghĩa đậm duyên. Hai cha con ngọt bùi chia sẻ sau hơn 30 năm xa cách. Bù lại vua Thành Thái dồn hết tâm trí và tiến của cho cô công chúa của mình.

Hàng ngày hai cha con đi đây đó trò chuyện, chụp hình kỷ niệm. Công chúa thường nhắc lại thuở ấu thơ cô đơn buồn tủi của mình. Còn vua Thành Thái vẫn đau đáu nỗi hận trong lòng vì không giúp được gì cho dân tộc. Một kẻ bị cầm tù lưu vong buồn sầu. Có lần về lại Bạch Dinh ông đã làm bài thơ Sầu tây bể cấp để bày tỏ nỗi lòng ai oán của mình về đất nước. Lời thơ ám ảnh lòng người: “Sống thừa nào biết đến hôm nay. Nhìn thấy núi non đất nước này.

Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ. Ruột tằm chín khúc mối sầu tây. Thành xuân muôn dặm mây mù tịt. Bể cấp tứ bề bủa sóng vây. Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc. Dẫu cho sắt đá cũng chau mày”. Sau đó, cuộc đoàn viên cũng không được mấy năm, vì bị quản thúc và già yếu bệnh tật, vua Thành Thái vĩnh biệt thế gian vào năm 1954. Bài thơ Sầu tây bể cấp hiện được khắc trên bia đặt tại Khu di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh.

Rừng hoa sứ

Bạch Dinh gắn liền với rừng hoa sứ thơm mang hơi hướng thiền làm dịu lòng người. Người Bạch Dinh kể, còn một chuyện tình cuối xảy ra tại dinh thự này, đó là vào năm 1934 khi nhượng lại cho vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu làm nơi nghỉ mát. Ai cũng rõ hôn nhân của đôi vợ chồng này không mặn mà gì cho lắm. Bảo Đại thì thích ăn chơi, nghĩ suy nông cạn.

Rừng hoa sứ Bạch Dinh

Ngược lại Nam Phương là người ham học và cân nhắc trong mọi ứng xử. Không ít việc, Bảo Đại còn phải hỏi ý kiến Nam Phương, rồi mới quyết định. Nhưng chính vì sự ăn chơi, phong tình, Bảo Đại chả mấy khi quan tâm tới vợ. Mỗi lần lên Bạch Dinh, sau những tiệc tùng ồn ào, thì Nam Phương lại sống trong cô đơn trầm lắng, vì Bảo Đại thích giao du đó đây. Mỗi khi cô đơn phiền muộn bà thường dạo bước trong rừng hoa sứ ngát hương.

Mỗi bước đi là một bông hoa rụng theo nỗi niềm Nam Phương. Lòng bỗng về nơi cõi Phật nhẹ nhõm thanh tịnh. Nam Phương Hoàng hậu đi tìm cõi riêng của lòng mình. Bởi chính ngai vàng của vị vua ham chơi đã làm tàn tạ nhan sắc thiên phú của một cô gái miền sông nước Sa Đéc dịu dàng. Hoàng hậu Nam Phương cô đơn cho đến cuối đời. Nhất là từ năm 1947, bà sang Pháp sống ở một dinh thự lớn, cách Paris chừng hơn 400 cây số. Người dân quanh vùng kể, chẳng mấy khi thấy Bảo Đại về thăm vợ. Khi ấy, ông bỏ đi sống ở miền Nam nước Pháp với niềm vui thú riêng, chẳng đoái hoài gì gia đình. Hoàng hậu Nam Phương thui thủi lặng lẽ như ngày nào ở Bạch Dinh. Một mình. Và khi bà mất năm 1963, cũng một mình, không có mặt chồng và con.

5/5 - (1 bình chọn)

Recent Posts